Tự tin, bản lĩnh, pha chút huyền bí và hơi ngông là những gì mà người ta hay nói về Đào Trọng Cường – Giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt. Thế nhưng, ít ai biết rằng ông cũng là một doanh nhân có niềm đam mê lớn với âm nhạc và thơ.
Cha là nhạc sĩ nên từ nhỏ Đào Trọng Cường đã mang sẵn trong mình dòng máu nghệ thuật. Thời thanh niên, ông nổi tiếng đất Hà thành là một tay trống và guitar có hạng. Rất nhiều người tin rằng với gen thừa hưởng từ cha và sự chỉ bảo của những người thày giỏi, Đào Trọng Cường sẽ thành danh trên con đường nghệ thuật.
Thế nhưng với Đào Trọng Cường, âm nhạc chỉ là một “cứu cánh của tâm hồn” chứ không trở thành nghề như nhiều người tiên đoán. Bởi với ông, đá quý đã là duyên trời định. Song, tình yêu âm nhạc trong ông vẫn không vì thế mà hao mòn đi. Trong quá trình mưu sinh, lăn lộn với đủ mọi khó khăn, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ông luôn mang theo bên mình máy quay đĩa, đài hay cây guitar để bất cứ lúc nào cũng có thể được đắm mình trong âm nhạc.
“Sau những giờ phút bận rộn, toan tính về công việc, nghe một bản nhạc hay giúp tôi tìm lại nguồn năng lượng đã mất. Đây là thú vui lớn nhất của tôi, âm nhạc thực sự đã giúp tôi lãng quên và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn”, ông Cường tâm sự.
Để thỏa mãn đam mê này, ông Cường đã không tiếc tiền thửa hẳn một bộ dàn âm thanh “hoành tráng” để thưởng thức. Ông đã tốn rất nhiều công sưu tập cho bộ dàn này với trị giá hàng tỷ đồng. Mỗi khi có dịp đi công tác nước ngoài, hễ rảnh là ông lại tranh thủ vào các cửa hàng nhạc cụ để “săn hàng” thêm cho bộ sưu tập của mình.
Ngoài âm nhạc, Đào Trọng Cường còn rất đam mê thơ, đặc biệt là những bài viết về quê hương, đất nước, về cuộc sống giản dị của người dân. Không chỉ thưởng thức thơ mà ông còn sáng tác mỗi khi có cảm hứng.
Tuy nhiên, hơn tất cả, chính âm nhạc và thơ đã giúp ông thăng hoa để làm nên những bức tranh đá quý tuyệt đẹp, có giá trị lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng và rất được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích.
Theo lời kể của Đào Trọng Cường, có lần, quá xúc động trước những vần thơ đẹp và đầy hình ảnh của một bài thơ nói về chiếc cổng làng thời xưa, ông đã cho ra đời tác phẩm “Cổng làng hoang phế” trên chất liệu đá quý. Bức họa đặc biệt này đã được trả tới 9.000 USD trong cuộc đấu giá ngày 13/10 năm ngoái.
Trong một lần khác, ngồi nghe bản “Bình Minh”, với nội dung ca ngợi cuộc sống thanh bình của con người từ thuở hoang sơ, Đào Trọng Cường cũng đã “xuất thần” và sáng tác bức “Bình Minh”. Bức tranh này đã đoạt giải Bàn Tay Vàng. Thậm chí, phiên bản của nó khi mang ra đấu giá cũng được trả tới 21.700 USD.
Trăn trở với nghề đá quý
Trước khi đến với nghề đá quý năm 1987, Đào Trọng Cường từng làm rất nhiều việc, từ một người thợ sửa nồi hơi trong nhà máy cơ khí cho tới ép lốp xe đạp, chữa TV, nấu xà phòng… Tuy nghề nào cũng cố gắng nhưng ông đều thất bại. Thế rồi trong một lần đãi vàng, ông đã phát hiện ra viên đá có màu sắc rất lạ, mang đi hỏi khắp nơi mới biết là “của hiếm”. Thế là từ đó, đá quý cứ gắn với ông như một duyên trời định.
“Tôi gặp đá quý và đến với nghề này như một định mệnh, và tôi nhận ra đây là nghề phù hợp và tôi có thể thành công”, ông tâm sự.
Có một điều rất lạ là Đào Trọng Cường chưa bao giờ được học về hội họa hay một cái gì tương tự như vậy nhưng ông lại là tác giả của hàng trăm bức tranh có giá trị. Những bức họa về con người, về cuộc sống được vẽ lên bởi màu của đá, vừa sinh động, lại vừa mang màu sắc huyền bí.
Sau 20 năm lăn lộn với nghề, Đào Trọng Cường giờ đây đang ấp ủ những dự định biến đá quý thành một trong những ngành cạnh tranh của Việt Nam trong môi trường hội nhập. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở nhất chính là việc Việt Nam đến nay vẫn chưa có được một thị trường đá quý thực thụ.
Theo ông, mỏ đá quý của Việt Nam có ưu điểm hơn hẳn so với đá của Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ và Srilanka (những mỏ đá quý lớn trên thế giới) bởi đá của Việt Nam đẹp hơn và trữ lượng cũng khá lớn.
“Tạo hóa đã cho chúng ta một đặc ân mà không phải nước nào cũng có được nhưng chúng ta lại chưa biết tận dụng hiệu quả bởi cách khai thác bừa bãi hiện nay”, ông Cường tâm sự.
Với tâm huyết của một người đã gắn bó lâu dài với nghề đá quý, ông Cường hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có sự quan tâm thích đáng tới ngành này và có những chính sách phù hợp giúp Việt Nam tận dụng được những ưu đãi mà tạo hóa ban tặng và đưa đá quý trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam.