Trong hành trang khi trở về Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2006 của ngài Bill Gates, Chủ tịch tập đoàn Microsoft, có một kỷ vật rất độc đáo. Đó là bức chân dung của chính ông, được làm từ chất liệu đá quý, do các nghệ nhân của Công ty Thần Châu Ngọc Việt chế tác nên. Tổng Giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt là ông Đào Trọng Cường, một người rất thành công trên đường lập nghiệp.
Quê cha ở Hải Phòng, nhưng Đào Trọng Cường lại sinh ra và gắn bó tuổi thơ mình trên quê mẹ – thành phố Thanh Hóa. Vốn được thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của gia đình, Đào Trọng Cường rất mê chơi đàn ghi ta từ khi còn nhỏ. Nhưng ông còn một niềm đam mê khác là chế tác ngọc và đá quý: saphia, thạch anh, ruby… mỗi loại có một sắc màu và kết cấu định dạng khác nhau. Nhưng chỉ khi qua bàn tay chế tác của người thợ, ánh sáng, sắc và hình dáng của những viên đá mới trở nên tuyệt mỹ.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Đào Trọng Cường đã lặn lội lên các vùng đào đãi đá quý ở Yên Bái, Lục Ngạn (Hà Bắc), Quỳ Châu (Nghệ An) săn tìm đá quý để chế tác đồ nữ trang. Với vẻn vẹn 450 nghìn đồng vốn, ông đã từng trải qua những cơn sốt rét rừng quái ác, đã từng được chứng kiến cảnh chém giết lẫn nhau chỉ vì những hạt đá nhỏ nhoi. Nhưng cũng chính trong những ngày lặn lội ngủ rừng, Đào Trọng Cường đã phát hiện ra một điều: có rất nhiều người nước ngoài đến tìm mua những viên đá quý thải loại, dạng hạt rất nhỏ hoặc những loại đá ít giá trị tạo hình. Qua tìm hiểu, ông được biết: họ mua loại đá này để làm tranh ngọc. Phát hiện này đã thôi thúc Đào Trọng Cường quyết tâm mở ra một hướng đi mới trong sự nghiệp của mình: khai sáng ra dòng tranh đá quý, một nghề chưa từng có ở Việt Nam. Và ngay từ khi dòng tranh đá quý đầu tiên của Việt Nam xuất hiện, cái tên Thần Châu Ngọc Việt đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Chính từ tay Đào Trọng Cường đã đào tạo nên một đội ngũ những người thợ làm tranh đá quý đầu tiên của Việt Nam, trong đó có những người Thanh Hóa.
Anh Đào Việt Hùng, thợ xưởng ghép tranh, quê ở TP Thanh Hóa cho biết: “Những người thợ quê Thanh Hóa học tập và làm việc tại Thần Châu Ngọc Việt được Tổng Giám đốc Đào Trọng Cường rất quan tâm, từ công việc cho đến điều kiện ăn ở”. Ông còn động viên anh, chị em cố gắng học thành nghề điêu luyện rồi trở về quê mở lớp dạy nghề, du nhập nghề mới và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đây cũng chính là tâm nguyện của Đào Trọng Cường, mong muốn làm được điều gì đó giúp đỡ cho quê hương. Ông đã đi khảo sát thực tế ở Thanh Hóa và nhận thấy quê mình có nhiều mỏ đá quý, có thể làm chất liệu cho dòng tranh đá quý. Vì vậy ông đang ấp ủ dự định sẽ tổ chức khai thác, kết hợp với việc tổ chức các làng nghề làm tranh đá quý ngay tại những địa phương có mỏ. Ông tâm sự: “Thật không công bằng khi những người dân sống trên mỏ đá quý mà lại phải chịu cảnh nghèo khó”.
Không chỉ nổi tiếng với dòng tranh đá quý, Đào Trọng Cường còn được nhiều người biết đến vì những đóng góp cho công tác nhân đạo từ thiện, đặc biệt là việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Năm 2004, tại cuộc giao lưu ủng hộ quỹ vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, bức tranh đá quý “3 miền” do chính tay ông chế tác đã bán đấu giá được 1,8 tỷ đồng, ủng hộ quỹ Vì người nghèo. Một bức tranh khác bán đấu giá được 400 triệu đồng ủng hộ các cựu chiến binh trong cuộc hành trình về nguồn “Điện Biên – Một thời hoa lửa”. Ở tuổi xấp xỉ 50, Đào Trọng Cường vẫn đang miệt mài với những sáng tạo mới và những việc làm từ thiện. Và trong đáy lòng ông, vẫn luôn dành một phần sâu thẳm cho quê mẹ Thanh Hóa. Cuốn sách “Có chí thì nên” mới được xuất bản, nói về con đường lập nghiệp và đi đến thành đạt của chính bản thân ông. Ông dự định tặng 200 cuốn cho các em học sinh Trường Lam Sơn, coi như một lời khuyên, một tấm gương cho thế hệ trẻ trong quá trình lập thân, lập nghiệp.