Chỉ cách nay mấy năm, nghề thủ công cẩn ngọc lên tranh còn hoàn toàn mới mẻ và chưa hề có trong lịch sử nước ta. Bây giờ thì bạn bè trong nước, quốc tế đã biết rất nhiều đến những bức tranh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các… lung linh sắc màu của đá quí tự nhiên, sống động, rực rỡ của cảnh quan.
Những viên đá ẩn sâu trong lòng đất hàng triệu năm tuổi, tự bản thân nó không thể làm lên hết giá trị của mình, chỉ đến khi người ta khai thác nó lên, chế tác thành những bức tranh muôn hình, muôn cảnh thì ngọc ngà mới thực sự bừng sáng. Người đã “thổi hổn cho ngọc”, mày mò rất nhiều năm để tìm ra thứ nghệ thuật độc đáo này chính là nghệ nhân – hoạ sỹ Đào Trọng Cường.
Chính nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét: “Trong lịch sử, người VN chưa có tục lệ làm tranh đá quí. Ngọc ngà, châu báu của vua chúa ngày xưa cũng rất ít và còn rất sơ khai. Cẩn ngọc lên tranh là một nghề mới và đã mang lại những nguồn lực mới”. Thực ra, rất ít người biết để khai sáng ra những bức tranh ngọc lấp lánh anh Cường đã vất vả thế nào. Vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, anh đã từng lặn lội theo chân những người đào vàng lên Yên Bái, Tuyên Quang, Châu Quỳ – Nghệ An, Di Linh – Lâm Đồng. Những ngày tháng đó, anh đã học được kinh nghiệm bằng máu và nước mắt, bằng những luật rừng khắc nghiệt.
Thế rồi, anh đã phát hiện ra ở Lục Yên – Yên Bái những viên đá đỏ thắm như màu, hỏi ra mới biết đấy là loại đá rubi, quí không kém gì kim cương, hình thành tự hàng triệu năm từ núi lửa. Điều làm anh còn ngạc nhiên hơn, khi những mảnh vụn của đá tưởng như không có giá trị lại được phía nước ngoài, như Thái Lan tìm mua rất nhiều. Quyết tìm được nguồn gốc của vấn đề, anh đã cất công sang tận Thái lan và biết rằng họ mua đá đấy về để cẩn tranh. Nghề này đã có hàng trăm năm nay và trở thành một ngành kinh tế có giá trị cao của Thái lan. Tuy nhiên, những bức tranh cẩn ngọc của Thái lan họ dùng màu nhân tạo rất nhiều nên không bền màu và đẹp tự nhiên…
Bao nhiêu vốn liếng gom góp được, anh đổ ra mua mỏ đá Lục Yên – Yên Bái. Suốt 7 năm trời nghiên cứu, lần mò trong bóng tối để rồi đến năm 2002 anh mở một cuộc triển lãm tranh cẩn ngọc ở khách sạn Melia, Hà Nội trưng bày gần 500 bức tranh tuyệt tác làm sửng sốt toàn bộ giới mỹ thuật, lịch sử. Nghệ thuật làm kiểu tranh này đã có ở Thái Lan, Ấn Độ, nhưng khi ở Việt Nam, anh Cường đã mang đến cho tranh một tiếng nói riêng. Tranh được làm 100% trên chất liệu đá quí thiên nhiên từ 50 loại đá quí khác nhau như: Rubi đỏ, Saphia Spilen, Tuốc ma lin, Aquamarin Opal… với đủ màu từ đỏ thắm, vàng tươi, xanh lam, trắng tinh khiết… Phong cảnh làng quê Việt Nam, tháp rùa, phố cổ Hà Nội hiện lên thật sinh động.
Chủ đề tranh cũng có thể lấy từ trong kho tàng văn hoá dân gian, mỹ học cổ điển và đương đại. Nhiều người xem vốn rất lạ lẫm với loại tranh này nhưng trước sự sáng tạo của người nghệ sĩ làm nên những tuyệt tác từ sản phẩm thiên nhiên, tinh hoa của trời đất nên mê ngay. Cũng chính vì có nghề tranh này mà bao nhiêu dân nghèo ở làng Nghĩa Đô, Lục Yên, Yên Bái có công ăn việc làm ổn định, không lặn lội trong rừng thiêng nước độc, đào đãi đá một cách hoang sơ, bất ổn như trước nữa.
Năm 2003, anh Đào Trọng Cường đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu là hoạ sĩ – nghệ nhân bàn tay vàng đầu tiên cho nghề “Cẩn ngọc lên tranh”. Tranh do Công ty đá quí nữ trang Thần châu Ngọc Việt do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị sản xuất ra có Giấy chứng nhận chất lượng của Viện đá quý trang sức Việt Nam. Công ty cũng có Hội đồng nghệ thuật thẩm định tranh riêng với những người có tên tuổi như: ông Nguyễn Văn Ngọc (kỹ sư 40 năm trong ngành địa chất khoáng sản, nguyên Phó TGĐ TCty đá quí liên doanh Việt – Thái, chuyên viên cao cấp về đá quí); ông Phạm Chương (hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật công nghiệp); ông Nguyễn Đức Thọ (hoạ sĩ); bà Đào Hạnh Trâm (phụ trách thiết kế mỹ thuật đã được đào tạo ở Mỹ), bà Nguyễn Bích Thuỷ (hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật công nghiệp đoạt giải vàng thiết kế mỹ thuật Đông Nam Á).
Thần Châu Ngọc Việt đã xây dựng cho mình một thương hiệu và hoạt động một cách hết sức chuyên nghiệp từ một nghề thủ công hoàn toàn mới mẻ. Mạng lưới tiêu thụ của anh có khắp ở trong Nam ngoài Bắc, ở cả nước ngoài, góp mặt ở những Hội chợ nữ trang, đá quí lớn của thế giới. Tuy nhiên, anh Cường vẫn tiếc rằng đội ngũ kỹ thuật về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (nhất là đục chạm, mây tre đan, khảm bạc, nữ trang…) của Hà Nội và nước ta còn được đào tạo quá manh mún, chủ yếu là cha truyền con nối ở các làng nghề nên nhiều khi tư duy bị đi theo lối mòn. Ở Việt Nam ta còn thiếu các trường lớp đào tạo thợ cơ bản, không có sự tham góp của các giáo viên mỹ thuật công nghiệp, mong sớm được Nhà nước quan tâm.
Nói đến Công ty đá quí nữ trang Thần châu Ngọc Việt điều đặc biệt là công ty làm rất nhiều những bức tranh từ thiện, đóng góp cho cộng đồng. Hôm chúng tôi đến cửa hàng trưng bày sản phẩm của anh ở 23 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, anh Đào Trọng Cường mừng rỡ giới thiệu một bức tranh cẩn ngọc hình bác Hồ rất lớn (ngang 1m50, cao 1m65) trên nền vàng của ngôi sao 5 cánh. Anh cho biết hoạ sĩ phải vẽ bác cả trăm bức mới chọn được một bức toát lên được thần thái của lãnh tụ. Hơn nữa, khâu chuẩn bị làm tranh rất công phu, phải mất cả năm trời tuyển chọn từ vài trăm cân đá quí để có một cân đá làm tranh. Đá làm tranh phải lọc có kích cỡ, màu sắc đồng nhất nhau. Đến khi cẩn lên tranh màu sắc tự nhiên của đá được hoà quyện, chuyển màu một cách nhịp nhàng, nói lên được ngôn ngữ của đá. Tổng cộng bức tranh tốn hết 5kg đá rubi và 10 kg đá các loại khác, làm hết tròn 3 tháng ròng. Bức tranh Bác Hồ này tính ra có trị giá khoảng 30.000 USD nhưng thực tế nó là vô giá vì được dành để gửi tặng Văn phòng Quốc hội.
Công ty đá quí nữ trang Thần châu Ngọc Việt và hình ảnh của anh Đào Trọng Cường cũng đã để lại ấn tượng rất lớn khi tháng 10/2004 đã đem đấu giá bức trang đá quí “Ba miền” có lời chúc và chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được doanh nhân Đào Hồng Tuyển trả giá 1,83 tỉ đồng đóng góp toàn bộ cho Quỹ vì người nghèo. Tại Lế kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô, bức tranh “Thời nay” của anh cũng được bà Nguyễn Thị Gạt mua với giá 9.000 USD để ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam… Sau những ngày tháng miệt mài sáng tạo ra bức tranh “Khát vọng hoà bình”, trong tháng 12/2004, công ty anh cũng đã cho đem đấu giá tiếp bức tranh này để ủng hộ cho Quĩ nạn nhân chất độc màu da cam.
Anh Cường kể “nói về khát vọng hoà bình đã có nhiều bức tranh lấy hình tượng con chim hoà bình đậu trên quả địa cầu; nét độc đáo của tranh Thần châu Ngọc Việt là chim hoà bình lại cõng quả địa cầu và dưới đó là đôi bàn tay con người đỡ cả quả địa cầu và con chim. Phải có con người mới làm lên hoà bình của trái đất, thể giới mới hết chiến tranh, hết khủng bố và những nạn nhân chất độc màu da cam thương xót”…. Thật đáng quí biết bao khi những bức tranh đá quí mà Đào Trọng Cường tỉ mẩn sáng tạo nên đã trở thành vô giá khi nó lại được cẩn, được chạm lên thứ ngọc của tình người. Trong một lần tham gia Hội chợ ở New York – Mỹ, anh Đào Trong Cường cũng đã tăng ông thị trưởng thành phố này bức tranh cẩn ngọc quí về Chùa Một Cột của Hà Nội làm ông rất xúc động. Hình ảnh Hà Nội một lần nữa lại được giới thiệu trên chất liệu đá quí rạng ngời ra cộng đồng quốc tế.
Hôm nay gặp anh Đào Trong Cường, vóc dáng của chàng trai Hà Nội hào hoa thuở nào đã nhường chỗ cho người đàn ông tuổi mới ngoại tứ tuần mà tóc đã bạc trắng như sương. Cái vinh hoa của nghề nghiệp đã được anh trả lại bằng bao nhiêu năm tháng bôn ba, khổ ải của cuộc đời của người đi khai sáng nghề cẩn ngọc lên tranh. Bây giờ thì ngọc đã bừng sáng, vẻ đẹp trời đất ban tặng, vẻ đẹp của bàn tay con người hun đúc sáng tạo lên, trường tồn mãi mãi.