Từ tay trắng làm nên dòng tranh đá quý Việt Nam

Phong trần, cá tính và huyền bí là những gì bất cứ ai cũng cảm nhận được khi tiếp xúc với nghệ nhân Đào Trọng Cường. Để trở thành người khai sáng dòng tranh đá quý Việt Nam, người sáng tác những bức chân dung các vị lãnh đạo các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng chất liệu đá quý cực kỳ độc đáo nhân dịp Hội nghị APEC tại Việt Nam, người đàn ông này đã trải qua con đường dài, đầy chông gai.

Nghệ nhân Đào Trọng Cường (người đứng bên trái)

Một người luôn tự hỏi và quyết tâm tìm câu trả lời

Có thể nói, cuộc đời Đào Trọng Cường là một chuỗi những chìm nổi, thăng trầm như vàng qua lửa để rồi cuối cùng vàng vẫn mãi là vàng. Không đi theo con đường nghệ thuật của cha, bước đầu tiên đến với cuộc đời của Đào Trọng Cường là làm công nhân Nhà máy chỉ khâu Hà Nội. Đó cũng là cách vào đời của nhiều thanh niên những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng cuộc đời đâu suôn sẻ để anh bước đi. Làm công nhân nhà máy chỉ khâu Hà Nội không lâu, anh thất nghiệp do không có việc làm. Đó có thể coi là cú bước hụt đầu tiên khiến anh không khỏi thất vọng. Nhưng rồi trong những bước đi tiếp theo anh đã trải qua nhiều cú vấp ngã, thậm chí còn đau hơn cú ngã trước. Có lẽ ít người đã từng trải qua nhiều nghề nghiệp như Đào Trọng Cường: từ kéo mì sợi, nấu xà phòng, ép lốp xe đạp, đến chữa ti vi, tân trang ô-tô nhưng cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay… Trong những bước đường ấy anh luôn tự đặt cho mình những câu hỏi: thất nghiệp, bị đẩy ra ngoài đường, phải làm gì để không uổng thân trai? Khi học làm mì sợi, anh luôn tự vấn, làm sao để có cách làm tốt nhất. Lúc làm xà phòng, anh trăn trở bằng cách nào để có những sản phẩm có chất lượng nhất?… Hỏi rồi trả lời được câu hỏi này lại sang câu hỏi khác và lại quyết tâm trả lời cho được. Anh tâm sự: “Nghề nào, tôi cũng rất cố gắng nhưng đều thất bại”. Đến khi bán nốt căn nhà, theo bè bạn đi đào vàng, phiêu bạt khắp các mỏ vàng, đá quý ở Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An… nhìn thấy cảnh người dân sống trên mỏ vàng, mỏ đá quý mà lúc nào cũng nghèo khó, nhìn thấy cảnh mỗi năm những thương gia nước ngoài đến mua hàng mấy chục tấn đá quý loại nhỏ mang về, tôi luôn canh cánh câu hỏi: Vì sao sống trên đống vàng mà người dân vẫn đói khổ? Vì sao những thứ đá quý không thể chế tác thành trang sức mà người nước ngoài vẫn mua?” Và có lẽ, đây là những câu hỏi định mệnh của đời anh. Bởi vì với cá tính đã làm là phải làm cho kỳ được, anh quyết tâm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Mãi cho tới năm 1995, trong một lần tham dự một hội chợ tại Thái Lan, thấy người ta bày bán những bức tranh cẩn đá quý, anh mới vỡ lẽ vì sao người Thái mua nhiều đá quý của Việt Nam đến thế. Và lúc này, một câu hỏi nữa lại đặt ra, làm cách nào để cẩn ngọc lên tranh?

7 năm ra đời một dòng tranh độc đáo

Sau sự vỡ lẽ đó, Đào Trọng Cường dồn tiền mua một loạt tranh đá quý Thái Lan với đủ các cỡ lớn nhỏ đem về nghiên cứu. Việc nhận mặt loại đá sử dụng trên tranh, cách tạo nguyên liệu anh có thể hiểu được, nhưng cái khó nhất là làm cách nào để khi cẩn lên tranh, đá quý có độ bám dính chặt. Không phải là dân hóa học, anh mày mò đủ cách tìm cho ra loại keo kết dính đá quý vào mặt tranh. Rồi lại bắt tay đi học từ đầu về hội họa, qua sách vở, qua bạn bè là họa sĩ để biết cách phối màu hợp lý, bố cục bức tranh… Bằng mọi cách, anh quyết tâm học để có một kỹ thuật làm tranh hoàn hảo. Khi làm xong những bức tranh đầu tiên, anh đã thử bằng nhiều cách để kiểm chứng độ bền của tranh. Đưa vào tủ lạnh ở nhiệt độ âm mấy chục độ, rồi anh lại đem ra nắng để cả năm trời xem độ bền của keo. Anh kể: “Có những lúc, do keo không đạt yêu cầu, tôi đã phải vứt đi hàng trăm bức tranh với một lượng đá quý không nhỏ buộc phải bỏ đi do đã bị dính keo”. Không chỉ mất nhiều thời gian, tâm sức, sự kiên trì, để thử nghiệm cho tới khi thành công của anh còn khiến anh tốn không ít tiền bạc, chi phí vào việc mua nguyên liệu. Nhưng ước vọng ban đầu thôi thúc anh quyết tâm làm cho bằng được. Điểm khác biệt của doanh nhân Đào Trọng Cường là chỉ khi công nghệ đã thực sự hoàn hảo, anh mới công bố sản phẩm. Anh không chấp nhận cách thức vừa làm vừa bán vừa sửa sai của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù rất nóng lòng cho ra những sản phẩm độc đáo chưa từng có ở Việt Nam, nhưng anh vẫn quyết tâm giữ quan điểm chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất khi nó đã thực sự hoàn hảo.

Bức tranh cẩn ngọc của Nghệ nhân Đào Trọng Cường trong triển lãm

Thế rồi, cái gì đến đã phải đến, ngày 6-11-2002, tại khách sạn Melia Hà Nội một cuộc triển lãm rất đặc biệt đã thu hút sự chú ý của không chỉ giới nghệ thuật mà cả đông đảo công chúng: cuộc ra mắt đầy ấn tượng của 500 bức tranh cẩn ngọc do chính tay nghệ nhân Đào Trọng Cường thực hiện. Vậy là, sau 7 năm mày mò những bức tranh đá quý đầu tiên đã được Đào Trọng Cường công bố trước công chúng. Giới nghệ thuật đánh giá, đây là cuộc triển lãm có một không hai, một bước đột phá mới cho chất liệu hội họa Việt Nam. Vậy là từ đây, làng nghề truyền thống Việt Nam có thêm một nghề mới, nghề cẩn ngọc lên tranh. Anh không chỉ tự hào vì được xem là người khai sáng dòng tranh đá quý tại Việt Nam mà anh rất vui vì từ đây, đá quý Việt Nam không bị xuất đi một cách vô lý và anh vui hơn vì ước mơ hình thành những làng nghề cẩn ngọc trên tranh tại các vùng đá quý, giúp người dân tự mình vượt qua đói nghèo đã dần dần trở thành hiện thực. Anh khẳng định đầy tự tin, tranh đá quý Việt Nam đẹp hơn tranh nước ngoài, do được chế tác từ các loại đá quý thiên nhiên, không pha màu nhân tạo.

Góc phố mộc mạc cũng được Nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường đưa lên tranh ngọc quý

Bây giờ Công ty Thần Châu Ngọc Việt do Đào Trọng Cường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trở thành doanh nghiệp đi đầu trong  khai thác, chế tác, kinh doanh đá quý . Tranh đá quý của Công ty Thần Châu Ngọc Việt đã trở thành một mặt hàng lưu niệm có giá trị cao, như một niềm tự hào mang tinh hoa của thiên nhiên đất nước và sự tài hoa của con người Việt Nam. Ngài Roh Moo Hyun – Tổng thống Đại hàn Dân quốc khi nhận bức chân dung do Công ty tặng trong dịp Hội nghị APEC vừa qua đã xúc động ghi lại: “Tôi sẽ giữ mãi tấm lòng và tình cảm của các bạn gửi gắm trong bức chân dung rất đẹp này”.

Chân dung Roh Moo Hyun – Tổng thống Đại Hàn Dân quốc

Tay trắng làm nên, Đào Trọng Cường xứng đáng với câu đối sâu sắc giáo sư Vũ Khiêu đã đề tặng: Một tấm lòng vàng rực sáng ngàn thu văn hiến – Hai bàn tay ngọc đón mừng bốn bể danh nhân.

Post navigation

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *