Tôi sững sờ trước vẻ đẹp rực rỡ của những bức tranh đá quý, chợt thấy thẹn với lòng mình và thầm tiếc vì sự am hiểu về hội hoạ còn hạn chế để không thấy hết được cái “thần”, không “cảm” được hết cái đẹp bừng lên lung linh trong mỗi bức tranh. Nhưng cũng không thể không thốt ra lời: “Ôi! tuyệt, tuyệt quá!”. Vâng, đúng như lời Giáo sư Nguyễn Đỗ Bảo – Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Hà Nội nhận xét: “Từ các tác phẩm của các danh hoạ châu Âu thời kỳ phục hưng cho tới các bức tranh dân gian của dòng tranh Đông Hồ vẫn không mất đi âm hưởng của thời đại mà còn sang trọng hơn nhờ vào ngọc quý Việt Nam, càng làm cho tác phẩm của Thần Châu Ngọc Việt rung lên chất nghệ thuật”.
Từ trước tới nay, Hội hoạ ở Việt Nam cũng như trên thế giới chủ yếu được thể hiện bằng các chất sơn dầu, bột màu, bột nước hoặc sơn màu… Và người đột phá ra dòng tranh nghệ thuật từ đá quý đó không ai khác chính là anh Đào Trọng Cường – Giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt. Không giống như những bức tranh đá quý lung linh tươi đẹp, cuộc đời và sự nghiệp của anh là cả một đoạn đường dài đầy sóng gió. Đã nhiều lần trắng tay trong sự nghiệp, nhiều lần vấp ngã nhưng không làm anh nản lòng, trái lại càng hun đúc trong anh ý chí vươn lên mãnh liệt. Dấn thân vào nghề mới đầy mạo hiểm bằng tất cả nghị lực và niềm tin, cuối cùng vinh quang cũng đã mỉm cười với anh.
![](https://phatngocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/IMG_9705.jpeg)
Ngày 6/11/2002 là một ngày không bao giờ quên đối với anh Cường, cả gia đình và Công ty Thần Châu Ngọc Việt. Lần đầu tiên ở nước ta, tại khách sạn Melia Hà Nội, 600 bức tranh cẩn các loại đá quý khác nhau được trưng bày trong triển lãm đã thu hút sự chú ý của hàng ngàn người trong nước và quốc tế tới thưởng ngoạn. Nhiều người sững sờ, không tin được đó là những tác phẩm được tạo ra từ chính bàn tay khối óc của người Việt.
Trước sự ngỡ ngàng ngắm những bức tranh được mô phỏng nên bởi những viên đá quý, sự trầm trồ khen ngợi và những tình cảm nồng hậu của mọi người, giám đốc Cường lặng đi vì xúc động. Đến với nghề làm tranh đá quý cũng thật tình cờ, nhưng định mệnh lại gắn bó anh với nghề. Câu “có công mài sắt có ngày nên kim” với anh trong hoàn cảnh này chẳng sai chút nào. Sau bao lần thất bại trong sự nghiệp, khi trong tay chẳng còn gì, ngay cả niềm tin vào cuộc sống vốn là hành trang giờ cũng không còn nguyên vẹn, anh theo đoàn người lên rừng tìm gỗ Hoàng Đàn mang về bán lại cho người tạc tượng, rồi đi theo bạn bè khai thác vàng nguy hiểm. Run rủi thế nào, anh lại rẽ ngang sang tìm đá quý. Buổi đầu ngơ ngác cũng chẳng biết tại sao người ta nâng niu những viên đá bé tí xíu màu xanh đỏ, hỏi người bạn làm địa chất mới biết đó là loại đá rubi và saphia quý lắm nhưng giá bao nhiêu thì ngay cả anh bạn cũng chịu. Anh thực sự giật mình khi tình cờ phát hiện giá trị của những viên ngọc trong cuốn tạp chí nước ngoài hiếm hoi của một người thân mang tặng. Từ bàng hoàng đến quyết tâm nung nấu tìm hiểu về đá quý, anh nhanh chóng khăn gói lên đường.
Trong cuộc vật lộn mưu sinh ở nơi “rừng thiêng nước độc”, cái mạng sống quý báu của anh không ít lần bị đe doạ. Súng, dao dí sau gáy, thậm chí bị đánh gãy cả chân. Trong cảnh hỗn độn của cuộc đời như vậy, trong lòng anh lại nghĩ đến cảnh mẹ và vợ con vất vả mong mình thành danh đã khiến anh không thể chùn bước. Khi đã có chút ít vốn từ việc bán lại những viên đá quý, anh chợt nhận ra một điều kỳ lạ: Tại sao mấy ông Thái Lan lại mua nhiều đá quý thế, thậm chí mua đến hàng chục tấn với giá trị chỉ vài USD/kg. Nhất là những thứ mà theo đánh giá của những người biết về đá quý thì “chẳng có giá trị gì”. Họ mua để làm gì? là câu hỏi luôn đeo đẳng.
Đấy là vào thời điểm những năm 1994, khi Công ty Thần Châu – chuyên khai thác kinh doanh đá quý do anh làm giám đốc mới được thành lập. Lặn lội sang tận Thái Lan, anh phát hiện thì ra họ mua nhiều đá quý đó là để làm tranh và nhiều đồ dùng khác. Đặc biệt, tại Thái Lan nghề đá quý nữ trang và làm tranh từ đá quý còn được xếp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước đồng thời giải quyết việc làm cho trên 2 triệu lao động.
![](https://phatngocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/tahigems-hanh-trinh-theo-chan-cung-tahi-pham-toi-chanthaburi-2.jpg)
Vốn là người thích khám phá, anh nhiều lần trực tiếp sang tìm hiểu với hy vọng có thể trang bị cho mình chút “vốn nghề” vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam. Nhưng bạn hàng giấu nghề không cho anh vào thăm xưởng. Anh đành ngậm ngùi mua hơn chục bức tranh đá quý quay về Việt Nam. Cái khó là chẳng có ai biết để hỏi, đành phải tự mình nghiên cứu với tài liệu chính là những bức tranh mua được cộng với vốn hiểu biết và niềm say mê đá quý và nghệ thuật vô tận của bản thân. Việc đầu tiên là nghiên cứu các chất keo dính làm sao gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti mà lại giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá trong tranh.
Nhiều đêm chong đèn không ngủ, nhiều ngày thử nghiệm với những công việc hết sức đơn điệu: gắn, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng sau hơn 1500 ngày đêm vất vả chất keo dính mà anh vẫn hằng mong cuối cùng cũng tìm ra. Và phải mất thêm bao nhiêu thời gian công sức nữa để trang bị thêm cho mình kiến thức về hội hoạ, kỹ thuật làm tranh… nhiều đến nỗi ngay cả anh cũng không nhớ nổi. Kế thừa tinh hoa của các loại tranh quý có được, anh nảy ra sáng kiến: thay vì làm tranh “điểm ngọc” như Thái Lan anh sẽ làm một bức tranh hoàn chỉnh hoàn toàn bằng đá quý. Việc đó đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng của người nghệ nhân trong từng chi tiết nhỏ. Ví như muốn có một bức tranh thực sự có hồn, với màu sắc tự nhiên của đá thì bản thân người thợ phải rất am hiểu về các loại đá quý, nắm được quy luật bóng sáng của đá mới có thể biết được vị trí phù hợp đặt từng viên đá để khi khảm lên tranh vẫn giữ nguyên những góc độ sáng tối của đá tự nhiên, tạo chiều sâu cho tranh dù trải qua thời gian dài sử dụng.
Nền bức tranh đá quý phải dùng tay tán nhỏ ra cho thật mịn rồi rải đều cho phẳng trên chất keo đặc biệt. Còn khi ghép tranh cũng phải làm bằng tay dùng kẹp nhỏ gắp từng viên đá hoặc dùng công nghệ “rắc” một cách khéo léo vì chỉ một sai sót dù là rất nhỏ cũng phải làm lại mà đã gắn vào keo lấy ra sẽ không còn đẹp nữa. Nhưng nếu chỉ tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thì chưa đủ, cái đẹp của tranh thể hiện ở chỗ người nghệ nhân phải thổi được hồn mình vào từng bức tranh. Tâm có “trong”, lòng có “sáng” thì tranh mới đẹp. Và tất cả điều đó đều nằm trong bàn tay khéo léo, trong cái “Chân- Thiện- Mỹ” của nghệ nhân tài hoa Đào Trọng Cường.
![](https://thanchaungocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/339457334_856317919387450_2285169128934289371_n.jpg)
Để có được buổi triển lãm tranh hoành tráng, anh đã dồn hết trí và lực trong suốt 6 năm trời. Nhìn số lượng tranh tăng lên hàng ngày, mà vẫn không thấy anh có ý đem bán nhiều người nghệ nhân thậm chí người thân tỏ ý thắc mắc sao không vừa làm vừa bán. Anh im lặng. Và buổi triển lãm 600 bức tranh đá quý tại Khách sạn Melia chính là câu trả lời đầy thuyết phục mà anh muốn dành tặng những người thân yêu. Nhớ lại những ngày khó khăn trước đây, anh không khỏi bùi ngùi: “19 tuổi “tay trống” lừng danh đất Hà thành không theo con đường tay trống và ghi ta như nhiều người vẫn tưởng mà lại trở thành công nhân Nhà máy chỉ khâu Hà Nội. Cái cảm giác sung sướng mua được đôi dép tông bằng chính đồng tiền làm ra cho đến giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn còn cảm thấy lâng lâng. Nhưng dép chưa kịp mòn thì Cường đã trở thành kẻ thất nghiệp khi nhà máy phá sản, rồi đi làm thuê nhiều nghề nhưng không nghề nào được yên ổn . Bởi vì mưu sinh, anh lại lặn lội lên đường tiếp tục đi tìm kế sinh nhai. Sau một chuyến thăm cha đang sống ở Sài Gòn lúc đó đang giàu lên với nghề gia công mỳ sợi. Cường nhanh chóng tung ra thị trường “dây chuyền công nghệ” sản xuất mỳ sợi hoàn chỉnh.
Tưởng có thể “ rạng danh”, nào ngờ mấy cơ sở trong Nam đã mua công nghệ nhưng không đủ tiền trả nợ cho anh. Không đòi được nợ, Cường trắng tay đến nỗi nếu không gặp được bạn gái vào tìm sẽ chẳng có tiền mua đủ một tấm vé tàu ra thăm mẹ. Chưa hết, Cường còn lặn lội vào Nam một lần nữa học “lỏm” được cách làm xà phòng cũng từ một người bạn của gia đình. Không chỉ giúp mình mà anh còn giúp nhiều người khác “sống được” nhờ vào sản xuất xà phòng bánh bán khắp Hà thành. Có chút vốn trong tay, anh mạnh dạn mở gara ô tô. Lúc đó cả Hà Nội mới chỉ có vài cơ sở. Tấm gương vượt khó vươn lên của anh đã được nhiều người biết đến qua phóng sự phát trên sóng của Truyền hình Việt Nam. Nhưng ở đời chẳng ai học được chữ ngờ. Cơn lốc tín dụng đã cuốn trôi tất cả, ngay cái đầu video mà con gái thường thích xem hoạt hình cũng bị một người bạn trừ tiền nợ đến mang đi trong tiếng khóc gào của đứa con gái thân yêu. Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, anh Cường không bao giờ quên được hình ảnh và kỷ niệm đau lòng đó, nhưng ngày đó anh phải chôn chặt trong lòng. Cả gia đình lại phải sống nhờ vào thúng xôi của mẹ già qua ngày…”.
![](https://phatngocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/Anh-chup-Man-hinh-2023-08-24-luc-02.09.24.png)
Anh tâm sự : “ Nghèo khó, dốt nát không đáng hổ thẹn. Nhưng không biết vượt qua nghèo khó, không biết vượt qua dốt nát mới thực sự đáng hổ thẹn” Chính vì những điều giản dị đó mà trong suốt sự nghiệp của mình, anh không ngừng hoàn thiện bản thân; trong mọi hoàn cảnh đều cố gắng nỗ lực vươn lên không mệt mỏi để mình không “thẹn” với chính mình. Nghĩ về quá khứ vất vả để càng quý trọng hơn những thành quả ngày hôm nay chứ không có ý “khoe khoang, dạy đời” như thói đời vẫn vậy. Anh thường thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình khiến không ít kẻ “yếu tim” giật mình, không ít người phật lòng nhưng cũng chẳng thiếu người nể phục.
Ngay như đội ngũ doanh nhân thời nay, thường được ví như người chiến sỹ xung kích trong phát triển kinh tế. Thương trường như chiến trường đòi hỏi “người chiến sỹ doanh nhân” phải luôn tỉnh táo để có thể tránh được “bom rơi đạn lạc”, để không phải hy sinh một cách uổng phí. Chỉ cần một quyết định sai lầm, hậu quả không thể lường hết được. Tôi đọc được niềm thông cảm, nỗi day dứt khôn nguôi trong đôi mắt anh. Vâng là người thành công nhưng không ít lần thất bại, nên hơn ai hết anh hiểu được trọn vẹn cái “giá quá đắt” của sự đam mê. Nó dẫn con người ta đến giới hạn của sự mong manh. Nhưng không vì thế mà có thể dừng chân hay lùi bước. Nếu không, làm sao chúng ta được chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt tác, trường tồn vĩnh cửu cùng thời gian như tranh đá quý. Không chỉ là người Việt Nam khai phá ra tranh nghệ thuật từ đá quý mà anh còn là người đầu tiên dám bảo hành tất cả các sản phẩm của mình vô hạn. Cái quý hiếm của tranh thể hiện ở chỗ: dù cho thời gian có trôi đi thì màu sắc trong tranh vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Từ những bức tranh có giá vài trăm ngàn đến những bức tranh vô giá, công ty đều sẵn sàng đổi ngay cho khách hàng một sản phẩm y hệt nếu bức tranh bị “rơi đá” hay biến màu. Đặc biệt, khát vọng lớn nhất của anh là tạo ra một làng nghề trên những miền đất có mỏ đá quý bất tận mà nghèo nàn; đồng thời phát huy sự khéo léo, tính sáng tạo của người dân các vùng như Lục Yên (Yên Bái), Quỳ Châu (Nghệ An), Đắc Nông, Đắk Lắk…Từ năm 2002 đến nay, Công ty đã mở thêm 3 xưởng làm tranh với 18 đại lý ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
![](https://phatngocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/trung-bay-nhung-buc-tranh-da-quy-tien-ty-9.jpg)
Thần Châu Ngọc Việt được biết đến không chỉ là nơi sản sinh ra dòng tranh quý mà sớm nổi tiếng với nhiều tác phẩm bất hủ. Hội đủ những giá trị lịch sử, văn hoá, hội hoạ…khát vọng sáng tạo trong nghệ nhân Đào Trọng Cường như bùng phát qua những bức hoạ đá độc đáo mà nhiều người trong nghề không dám nghĩ tới: tranh đá quý như: Bình Minh, Bắc Trung Nam, khát vọng, Chùa Một Cột, tranh Đông Hồ, Tượng Nữ thần Tự do…
Đặc biệt, với lòng biết ơn sâu sắc, anh đã tái hiện lại nhiều trang sử hào hùng chống ngoại xâm của cha ông; cũng như những biểu tượng tôn kính và gần gũi trong lòng mỗi người dân nước Việt: Chân dung đá quý “Bác Hồ kính yêu” tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, tặng Tỉnh uỷ các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Thanh Hoá…chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng, bức tranh “Bác Hồ trao nhiệm vụ Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp” trao tặng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam…Hết mình cống hiến cho nghệ thuật, cái Tâm của người nghệ nhân – doanh nhân còn được nhiều người biết bởi đến qua những nghĩa cử cao đẹp. Nhiều bức tranh tâm huyết của nghệ nhân Cường được dùng bán đấu giá ủng hộ cho các hoạt động mang tính cộng đồng: Bức tranh “Bình Minh” 21400 USD ủng hộ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; Bức tranh “Ngày nay” 9000 USD ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam; Bức tranh “Ba miền” đạt kỷ lục: 1,8 tỷ dành tặng Quỹ Vì người nghèo… Chính những nghĩa cử cao đẹp đó mà doanh nhân Đào Trọng Cường đã vinh dự được GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đề tặng hai câu:
“Dồn hết tinh hoa tâm trí lại
Bừng lên châu ngọc nước non này”.
Ngọc trong đá ngàn năm vẫn là đá! Nhưng đã có hàng ngàn viên ngọc Việt toả sáng nhờ vào sự kiên trì, bền bỉ và sáng tạo của những nghệ nhân như Đào Trọng Cường. Cả một đời gắn với đá quý, trải qua bao cái vấp chai lỳ của đá song với lòng sắt đá, Viên ngọc lớn Trọng Cường đã vững trãi và rực rỡ trong cái nghiệt ngã của đời doanh nhân. Mỗi đời người là một trang gạch nối tiếp sức thế hệ! Doanh nhân Đào Trọng Cường không chỉ là một trong số những gạch nối giao thời lớn của nền kinh tế thị trường Việt Nam mà đã đánh dấu mốc son khởi điểm của nền nghệ thuật độc đáo mà ngàn đời chưa có: Dòng tranh nghệ thuật từ Đá quý. Mỗi bức tranh chứa đựng một tâm hồn! Cái Hồn tranh Thần Châu Ngọc Việt kết tinh sự âm thầm chuyển hoá hàng triệu năm từ đá thành ngọc với sự chắt lọc tinh hoa hàng ngàn năm của một dân tộc kiên cường và sự đam mê, khát vọng nghệ thuật, chinh phục thử thách của người làm tranh.
Và chính cái “Hồn” ấy đã đem đến cho doanh nhân- nghệ nhân Đào Trọng Cường hàng chục phần thưởng cao quý như: Nghệ nhân bàn tay vàng, giải Sao vàng đất Việt, Ngôi sao Việt Nam, giải thưởng Chân dung Bạch Thái Bưởi… Đặc biệt, cuối năm 2005 phần thưởng quý giá của cả cuộc đời Đào Trọng Cường, toàn thể gia đình và Công ty là đã được Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn và Công ty Văn hoá Trí tuệ Việt phát hành cuốn sách “Có trí thì nên”. Bên cạnh đó, Công ty còn được Lãnh đạo cao cấp nước ta đặt làm quà tặng những bức chân dung của nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới. Nhưng điều lớn lao nhất là “hồn” tranh ấy đã cùng nghệ nhân và những “đứa con” tinh thần của mình mãi bền vững với thời gian, trường tồn cùng dân tộc!
![](https://phatngocviet.com/wp-content/uploads/2023/08/Anh-chup-Man-hinh-2023-08-23-luc-22.58.51.png)
Doanh nhân Đào Trọng Cường luôn nghĩ rằng: Tri thức và trí tuệ là sức mạnh của con người. Vì vậy, dù mới 50 tuổi mà mái tóc đã bạc trắng, nhưng anh vẫn thức đến 3 giờ sáng để tìm tòi, nghiên cứu, khám phá ra những bức tranh nghệ thuật mới. Với tiêu chí và quan điểm xuyên suốt trong hành trình cuộc đời và sự nghiệp của anh là Tâm sáng – Trí minh – Lực bền.